- Trang chủ
- /
- Kiến thức chuyên ngành
- /
- Kinh nghiệm mua máy phát điện công nghiệp chạy dầu
Kinh nghiệm mua máy phát điện công nghiệp chạy dầu
Máy phát điện công nghiệp là thiết bị có những thông số kỹ thuật phức tạp. Do vậy, để việc mua sắm được hiệu quả, bạn cần nắm rõ các tiêu chí lựa chọn và kiểm tra chất lượng một tổ máy. Trong bài viết này, HQC sẽ chia sẻ với bạn kinh nghiệm lựa chọn và đánh giá máy phát điện công nghiệp chạy dầu một cách cụ thể.
1. Mục đích sử dụng và công suất máy
1.1. Mục đích sử dụng
Việc đầu tiên là bạn cần xác định rõ nhu cầu mua máy phát điện để chạy những phụ tải nào khi mất điện. Đó là cơ sở để tính chọn công suất máy phát điện phù hợp cho công trình.
Với các tòa nhà văn phòng hay khách sạn, nguồn điện dự phòng từ máy phát thưởng đủ để chạy đủ tải cho tòa nhà. Nghĩa là, khi mất điện tất cả các thiết bị vẫn có thể hoạt động bình thường. Khi đó, công suất máy phát điện tương đương với công suất của máy biến áp.
Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí đầu tư, đa số các công trình như: Nhà máy công nghiệp, trang trại chăn nuôi hay một số các tòa nhà chung cư… nguồn dự phòng từ máy phát chỉ đủ để chạy cho các tải ưu tiên. Khi mất điện lưới, điện máy phát chỉ phục vụ những phụ tải thực sự cần thiết – những thiết bị bắt buộc phải duy trì hoạt động.
Ví dụ, máy phát tại một số chung cư chỉ cấp điện cho hệ thống bơm cứu hỏa, bơm nước, quạt tăng áp thang bộ, thang máy, chiếu sáng chung… Hoặc với các nhà máy, nguồn ưu tiên từ máy phát chỉ phục vụ cho một số khâu sản xuất để tránh các thiệt hại xảy ra khi mất điện đột ngột.
1.2. Chọn công suất máy phù hợp với nhu cầu sử dụng
Nhu cầu sử dụng ở trên là cơ sở để lựa chọn công suất máy phát điện phù hợp cho công trình. Để làm được việc này cần có sự tham gia của các đơn vị thiết kế, hoặc nhà cung cấp cùng trao đổi tính toán với chủ đầu tư để lựa chọn được công suất máy vừa đủ.
Chọn công suất máy phát điện không đơn giản chỉ là cộng tổng công suất tiêu thụ của các phụ tải mà cần tính đến công suất khởi động của thiết bị tiêu thụ, hệ số sử dụng đồng thời và dự phòng cho tương lai (nếu có).
Không cần chọn máy có công suất quá dư, vì phần lớn các máy phát điện hiện nay đều đáp ứng được mức tải 100 & 110% công suất danh nghĩa. Ví dụ, nếu công suất tải tiêu thụ là 95 kVA có thể chọn máy 100 kVA. Hoặc mức tải 1050 kVA có thể chọn máy công suất 1000 kVA vẫn có thể đáp ứng được.
2. Lựa chọn dòng máy và mức giá
Mỗi hãng máy phát điện lại có lợi thế ở một số model và dải công suất nhất định. Chính vì vậy, để lựa chọn được sản phẩm phù hợp, chúng tôi phân loại các máy phát điện phổ biến tại thị trường Việt Nam thành 3 phân khúc: Máy nhỏ dưới 150 kVA, máy cỡ trung 150-900 kVA và máy công suất lớn từ 1000 kVA trở lên.
2.1. Máy nhỏ, công suất dưới 150 kVA
– Dòng máy cao cấp, là các sản phẩm chính hãng của các thương hiệu G7, nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam: Cummins Power Generation (USA) hay còn gọi là Cummins “chính hãng”, Denyo (Nhật Bản), FG Wilson (UK)…
– Dòng trung cấp, là sản phẩm của các thương hiệu G7 sản xuất hoặc lắp ráp tại Trung Quốc: Cummins China là liên doanh của Cummins (USA) sản xuất tại Trung Quốc, Isuzu (Nhật Bản) liên doanh sản xuất tại Trung Quốc, Kubota (Nhật Bản) lắp ráp tại Trung Quốc.
Dòng máy trung cấp có mức giá bằng 50-60% so với các dòng máy cao cấp chính hãng. Dưới đây là bảng kê “khoảng giá” để bạn tham khảo và lập dự toán.
Phân khúc |
Sản phẩm |
Công suất |
Mức giá |
Cao cấp |
Denyo (Nhật Bản) |
10-125 kVA |
7-10 triệu/KVA |
Cummins “chính hãng” – Cummins Power Generation (USA) |
20-136 kVA |
5-8 triệu/ kVA |
|
FG Wilson (UK) |
7.5-135 kVA |
5-8 triệu/ kVA |
|
Trung cấp |
Cummins China |
30-138 kVA |
3-5 triệu/ kVA |
Isuzu China |
25-50 kVA |
3-5 triệu/ kVA |
|
Kubota China |
7.5-40 kVA |
4-6 triệu/ kVA |
2.2. Máy cỡ trung, công suất 150-900 kVA
– Dòng máy cao cấp nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản hoặc Châu Âu phổ biến nhất là Cummins Power Generation (USA) hay còn gọi là Cummins “chính hãng” và FG Wilson. Ở công suất này, Denyo (Nhật Bản) ít được sử dụng do có mức giá quá cao.
– Dòng trung cấp, là sản phẩm của các thương hiệu G7 sản xuất hoặc lắp ráp tại Trung Quốc. Phổ biến nhất là Cummins và Doosan (Hàn Quốc) lắp ráp tại Trung Quốc. So với Cummins China, Doosan có mức giá tốt hơn ở công suất từ 500 kVA trở lên.
Phân khúc |
Sản phẩm |
Công suất |
Mức giá |
Cao cấp |
Cummins “chính hãng” – Cummins Power Generation (USA) |
150-900 kVA |
4-5 triệu/ kVA |
FG Wilson (UK) |
150-900 kVA |
3-4 triệu/ kVA |
|
Denyo (Nhật Bản) |
150-700 kVA |
5-7 triệu/KVA |
|
Trung cấp |
Cummins China |
150-900 kVA |
1.5-2.5 triệu/ kVA |
Doosan |
150-900 kVA |
1.5-2.5 triệu/ kVA |
2.3. Máy lớn, công suất từ 1000 kVA trở lên
– Dòng máy cao cấp nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản hoặc Châu Âu phổ biến nhất là Mitsubishi (Nhật Bản) hay còn gọi là Mitsubishi “chính hãng”, Cummins Power Generation (USA) hay còn gọi là Cummins “chính hãng”, MTU (Đức) và FG Wilson.
– Dòng trung cấp, là sản phẩm của các thương hiệu G7 sản xuất hoặc lắp ráp tại Trung Quốc. Phổ biến nhất là Cummins China và Mitsubishi China – sản phẩm của Mitsubishi Nhật Bản liên doanh sản xuất tại Trung Quốc. So với Cummins China, Mitsubishi China có mức giá tốt hơn từ công suất từ 1250 kVA trở lên.
Phân khúc | Sản phẩm | Công suất | Mức giá |
Cao cấp | Mitsubishi (Nhật Bản) “chính hãng” | 1000-2500 | 3-4 triệu/ kVA |
Cummins (USA) “chính hãng” | 1000-3000 kVA | 4-5 triệu/ kVA | |
MTU (Đức) | 1000-4000 kVA | 3.5-4 triệu/kVA | |
FG Wilson (UK) | 1000-2500 kVA | 3-4 triệu/ kVA | |
Trung cấp | Cummins China | 150-900 kVA | 2-3.5 triệu/ kVA |
Trên đây là các dòng máy phát điện cao cấp và trung cấp đang được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Để nhận được mức giá chính xác cho từng công suất, hãy liên hệ trực tiếp với các nhà phân phối để có được mức giá tốt nhất.
– Dòng máy cao cấp, xem thông tin nhà phân phối tại: 7 hãng máy phát điện cao cấp.
– Dòng sản phẩm trung cấp, xem tại: Cummins China, Mitsubishi China, Doosan, Isuzu China.
3. Chọn phương án lắp đặt tối ưu
Phương án lắp đặt được xem là tối ưu khi đáp ứng được các tiêu chí về kỹ thuật lắp đặt và vận hành lâu dài. Ngoài ra, cần giảm thiểu tác động trực tiếp từ độ ồn, khí thải đến môi trường xung quanh, tiết kiệm vật tư như cáp, ống thoát khói, hệ thống thoát gió.
Có rất nhiều phương án lắp đặt máy phát điện. Về mặt kỹ thuật, phương án tốt nhất là xây dựng phòng đặt máy riêng. Tuy nhiên, không phải công trình nào cũng có đủ diện tích để xây dựng riêng phòng đặt máy. Dưới đây là một số phương án lắp đặt tiết kiệm chi phí cho chủ đầu tư.
3.1. Máy đặt ngoài trời
Đây là phương án lắp đặt đơn giản nhất. Tiết kiệm chi phí xây dựng, và vật tư lắp đặt như ống khói và hộp thoát gió nóng. Tuy nhiên, phương án này, chỉ phù hợp với các công trình có mặt bằng ngoài trời rộng, đủ để lắp máy và vận hành. Giải pháp này được sử dụng nhiều tại các nhà máy công nghiệp hoặc các công trình mua sắm bổ sung máy phát điện.
Với phương án này cần dùng loại máy có vỏ chống ồn, để bảo vệ máy trước tác động của mưa, nắng và hạn chế bụi ảnh hưởng đến động cơ, đầu phát.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của chúng tôi, cần làm thêm mái che (đơn giản như mái che cho lán để xe) để bảo vệ vỏ máy và thuận tiện cho người vận hành khi gặp thời tiết xấu.
3.2. Máy đặt trên nóc tòa nhà
Đây là phương án được xem là tối ưu cho các tòa nhà văn phòng hoặc khách sạn trong phố. Đặt máy phát điện trên nóc sẽ giúp tiếng ồn và khí thải khuếch tán nhanh, không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Tuy nhiên, giải pháp này thường chỉ dùng cho máy công suất dưới 500 kVA. Máy có tải trọng và độ rung không quá lớn.
Để đặt máy trên nóc tòa nhà cần tính toán từ khi thiết kế, để kết cấu của mái chịu được tải trọng máy. Hoặc gia cố thêm khung giàn để giảm tải trọng tập trung cho mái nhà.
Lưu ý: Với một số nhà máy, trang trại chăn nuôi có thể dùng máy trần – không cần vỏ cách âm vì trong các nhà máy, nếu phòng máy phát điện ở xa khu sản xuất, văn phòng. Hoặc trong các trang tại ở sâu trong rừng, tiếng ồn của máy không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
4. Cách “xem” một báo giá máy phát điện.
Một báo giá máy phát điện cần “xem kỹ” hai yếu tố quan trọng nhất là chủng loại hàng hóa và khối lượng. Đây là các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tổng giá trị của hợp đồng.
4.1. Chủng loại hàng hóa
Về hàng hóa, cụ thể là máy phát điện, báo giá cần thể hiện rõ ràng, đầy đủ các thông tin về TỔ MÁY – ĐỘNG CƠ – ĐẦU PHÁT – BỘ ĐIỀU KHIỂN – PHỤ KIỆN. Cùng một tổ máy phát điện lại có nhiều cấu hình (option) khác nhau sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và giá thành.
PHẦN THÔNG TIN CHUNG VỀ TỔ MÁY
Nội dung |
Thông số |
Lý do |
(1) Tên thương hiệu, hãng sản xuất và model | Ví dụ: AGG Power Solutions, hay Cummins Power Generations | Nếu ghi chung chung “Power by Doosan” chỉ thể hiện được đây là dòng máy sử dụng động cơ Doosan, chưa thể hiện được hãng lắp ráp.
Cần thể hiện rõ, vì hãng lắp ráp ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng vận hành của máy, cho dù cùng sử dụng động cơ Doosan. |
(2) Xuất xứ tổ máy (Origin) | Là nơi tổ máy được lắp ráp. | |
(3) Tình trạng máy | Năm sản xuất, máy mới hay máy cũ | |
(3) Công suất máy | Cần ghi rõ công suất liên tục (prime) và công suất dự phòng (standby). | Tổ máy có công suất liên tục 1000 kVA giá cao hơn nhiều so với tổ máy công suất dự phòng 1000 kVA.
Trong tính toán kỹ thuật và mua bán thường chỉ nói đến công suất prime. Công suất dự phòng (công suất quá tải, thường bằng 110% công suất liên tục – prime) chỉ dùng trong trường hợp thật sự cần thiết (không quá 25 giờ mỗi năm). |
(4) Vỏ máy | Loại máy trần hay máy có vỏ cách âm. | Có nhiều loại vỏ cách âm với tiêu chuẩn và mức giá khác nhau.
Cần thể hiện rõ vỏ sản xuất trong nước hay nhập khẩu. Vỏ cao cấp cho các tòa nhà hay loại vỏ dùng trong công nghiệp. |
PHẦN THÔNG TIN VỀ ĐỘNG CƠ
Nội dung |
Thông số |
Lý do |
(1) Hãng sản xuất | Ví dụ: Doosan, Mitsubishi, Perkins | Thông tin này cần trùng khớp giữa báo giá (hợp đồng) với tem trên động cơ và hồ sơ nhập khẩu. |
(2) Model | Tránh trường hợp dùng động cơ nhỏ lắp cho máy công suất lớn vì mỗi model động cơ chỉ lắp được cho một công suất máy nhất định. | |
(3) Xuất xứ (Origin) | Ghi rõ nơi sản xuất/ lắp ráp động cơ | Vì một số động cơ cùng hãng (cùng model) nhưng có nhiều xuất xứ. Mỗi xuất xứ có mức giá khác nhau (do thuế nhập khẩu hoặc chi phí sản xuất). |
PHẦN THÔNG TIN VỀ ĐẦU PHÁT
Nội dung |
Thông số |
Lý do |
(1) Hãng sản xuất | Ví dụ: Leroy Somer (Pháp), Stamford (UK), Mecc Alte (Italia)… | Đầu phát là phần hay bị làm “nhái’ (fake). Do vậy, một số báo giá chỉ ghi “chung chung” hoặc “nhập nhèm” – nhập khẩu theo máy.
Phần này cần thể hiện rõ hãng sản xuất (thương hiệu của nước nào). Lưu ý: Một số trường hợp ghi, đầu phát “AB Stamford”. Họ thêm ký tự “AB” để khách hàng dễ nhầm lẫn là đầu phát Stamford “chính hãng”. Thực tế đầu phát “AB Stamford” chỉ có giá bằng ½ so với đầu phát Stamford “chính hãng”. |
(2) Xuất xứ | Ghi nõ nước sản xuất | Vì phần lớn các hãng đầu phát đều có nhiều xuất xứ. Ví dụ, Stamford có xuất xứ Anh, Romania, Ấn Độ hoặc Trung Quốc. |
PHẦN THÔNG TIN VỀ BỘ ĐIỀU KHIỂN
Nội dung |
Thông số |
Lý do |
(1) Hãng sản xuất | Ví dụ: Deepsea (UK), ComAp (Czech) | |
(2) Xuất xứ | Ghi nõ nước sản xuất | Phần lớn các hãng bộ điều khiển đều có xuất xứ Châu Âu như Deepsea – Anh Quốc và ComAp – Cộng hòa Séc |
(3) Model | Model bộ điều khiển | Cùng là bộ điều khiển Deepsea nhưng mỗi model khác nhau lại có tính năng và mức giá khác nhau. |
PHẦN THÔNG TIN VỀ BỘ PHỤ KIỆN KÈM THEO
Với mỗi tổ máy phát điện thường bao bồm các phụ kiện sau:
(1) Dầu bôi trơn;
(2) Nước làm mát và dung dịch chống đông cặn;
(3) Bồn dầu đáy máy (option với máy từ 750 kVA trở lên);
(4) Tủ bảo vệ đầu phát (option với máy từ 750 kVA trở lên);
(5) Po giảm thanh;
(6) Bộ sạc ắc quy từ điện lưới.
(7) Bộ dụng cụ sửa chữa cơ bản.
4.2. Khối lượng
Phần này liên quan đến khối lượng thiết bị và vật tư lắp đặt. Cần làm rõ các hạng mục sau (nếu có) về cả khối lượng và chúng loại:
(1) Tủ chuyển nguồn ATS: Cần ghi rõ thiết bị chính – là của hãng nào sản xuất, loại tủ lắp ráp trong nước hay nhập khẩu. Thông số về dòng định mức (ampe) và số cực (3P hay 4P).
(2) Ống thoát khói: Vật liệu (thép đen hay inox), đường kính, độ dày. Và ống khói có bọc bảo ôn hay không, quy cách ra sao.
(3) Chi phí chạy thử: Nhiên liệu và tải giả để thử tải.
(4) Ngoài ra, còn có các vật tư khác như: Cáp động lực, cáp điều khiển, hộp thoát gió, bạt chống rung, cửa louver, … cũng cần ghi rõ khối lượng và quy cách.
Một báo giá được xem là đầy đủ cần thể hiện rõ ràng về chủng loại hàng hóa (hãng sản xuất, model, xuất xứ…), ngoài ra các vật tư lắp đặt (bao gồm hoặc không bao gồm) cũng cần được ghi chi tiết để tránh các phát sinh do KHÔNG LÀM RÕ NGAY TỪ ĐẦU.
5. Cách kiểm tra hàng hóa và các lưu ý khi thử tải
5.1. Cách kiểm tra hàng hóa
Kiểm tra hàng hóa – máy phát điện có thể thực hiện trước khi ký hợp đồng với máy có sẵn, hoặc trong giai đoạn thực hiện hợp đồng – thời điểm giao hàng.
Một tổ máy được coi là “chuẩn” về mặt hàng hóa cần trùng khớp 3 nội dung sau: (1) Thông tin thể hiện trên tem (nameplate); (2) thông tin sản phẩm ghi trên hợp đồng (đầy đủ các thông số ở mục 4.1); (3) hồ sơ nhập khẩu (bản gốc).
Ngoài ra, để xác định động cơ/đầu phát “chuẩn” cần đảm bảo: Số serial in trên tem động cơ/đầu phát phải khớp với số serial dập nổi trên thân động cơ/đầu phát, và trùng khớp với hồ sơ nhập khẩu – bản gốc (tránh trường hợp động cơ bị làm giả).
5.3. Thử tải máy phát điện
Thử tải máy phát điện có 2 mục đích chính:
Kiểm tra công suất máy để đối chiếu với thông tin ghi trong hợp đồng.
Đây là bước kiểm tra kỹ thuật quan trọng. Nó giống như việc chúng ta mua xe tải 5 tấn, cần chất đủ 5 tấn tải trọng lên để xem xe có chạy được bình thường hay không.
Với các công trình mới hoàn thành xây dựng, hệ thống phụ tải chưa đủ để kiểm tra công suất máy phát điện nên ở bước này thường dùng tải giả (thiết bị thử tải máy phát điện) kết nối với máy để kiểm tra công suất máy.
Ví dụ, máy phát điện Cummins Trung Quốc công suất liên tục/dự phòng là 100/110 kVA. Cần chạy bật tải ở mức 100 và 110% công suất máy để chạy kiểm tra. Thời gian máy chạy cần duy trì tối thiểu 30 phút.
Kiểm tra chạy thử liên động
Chạy thử liên động gồm Máy – Tủ chuyển nguồn ATS (hoặc cầu giao đảo chiều) – Tải (thật) của công trình. Phần này gồm 2 bước:
Bước 1: Chạy thử liên động ở chế độ “bằng tay” (manual) để kiểm tra thứ tự pha của cáp động lực đấu vào máy có đúng hay không. Nếu không đúng cần đảo lại pha.
Bước 2: Chạy thử liên động ở chế độ “tự động” (auto), bằng cách giả lập mất điện lưới. Mục đích để kiểm tra cáp tín hiệu kết nối giữa máy với tủ ATS có đúng hay không. (nếu dùng cầu giao đảo chiều thì chỉ cần Bước 1 vì cầu giao đảo chiều không có chế độ tự động).
————
Sau khi kiểm tra hàng hóa – máy phát điện đúng chủng loại, chạy thử bằng tải giả đủ công suất, chạy thử liên động để đảm bảo hệ thống hoạt động trơn tru, an toàn – coi như hoàn thành công việc nghiệm thu. Máy sẵn sàng bàn giao cho chủ đầu tư để đưa vào sử dụng.
Hy vọng những kinh nghiệm HQC chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp ích cho khách hàng, tạo ra sở để chủ đầu tư lựa chọn tổ máy phát điện công nghiệp phù hợp với nhu cầu sử dụng.
BBT HQC